top of page

Bài học từ y tế Singapore | Part 5 | Chi phí điều trị bệnh ở nước ngoài

Updated: Mar 8, 2021

Xin chào các bạn, trong những bài trước mình đã chia sẻ về chất lượng và dịch vụ y tế của Singapore rồi, hôm nay mình sẽ giúp các bạn hình dung rõ hơn về chi phí điều trị bệnh đối với các bệnh nhân nước ngoài không có bảo hiểm ở Singapore thì sẽ như thế nào nhé.


Đầu tiên cần phải nói rằng, tất cả mọi dịch vụ chăm sóc tận tình đều được tính vào chi phí điều trị và thanh toán kể cả bạn có dùng một cái khẩu trang, mũ phẫu thuật, khăn ướt.... Và nếu bạn từng nhìn một cái hospital bill (hóa đơn ra viện) thì bạn sẽ thấy bạn may mắn biết bao khi được sống tại Việt Nam. Biết là mọi so sánh sẽ khập khiễng thôi, nhưng mình cứ lấy ví dụ cho mọi người hình dung, chỉ riêng chi phí sinh hoạt thì cũng đã khác rồi, ví dụ 1$ Sing thì đã là 17.000 VNĐ rồi, chi phí sinh sống nhìn chung đã hơn rồi chứ chưa nói đến chi phí y tế. Mỗi cơ sở khám bệnh sẽ khác nhau nên mình lấy ví dụ ở đây là Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore thôi nhé.


Về chi phí khám bệnh và tư vấn với bác sĩ sẽ có chi phí tương đương trình độ chuyên môn của bác sĩ và thời gian khám. Ví dụ một bác sĩ senior thuộc hàng phó giáo sư, giáo sư thì 1h khám bệnh sẽ là 222,56$ Sing cho lần khám đầu tiên (khoảng 3.700.000 VNĐ), các lần tái khám tiếp theo sẽ là 153,01$ Sing (2.600.000 VNĐ). Mỗi lần khám và tư vấn như vậy thì quy định 1h là tối đa, nếu có trao đổi quá thời gian quy định cho một lần khám thông thường thì sẽ tính thêm chi phí, ví dụ mỗi 30 phút thì sẽ tính thêm 42,80$ Sing (khoảng 700.000 VNĐ). Đó là người tư vấn thuộc hàng chuyên gia rồi, còn các bác sĩ khám bệnh thông thường thì chỉ bằng khoảng một nửa, mình nhớ hình như 126$ Sing (khoảng hơn 2 triệu đồng).


Các chi phí về xét nghiệm, thủ thuật thì mình lấy một vài ví dụ như sau. Xét nghiệm công thức máu toàn phần (FBC/CBC) 36,72$ Sing (hơn 600.000 VNĐ), nội soi đường tiêu hóa trên 667,31$ Sing, nội soi đường tiêu hóa dưới, nội soi đại trực tràng có sinh thiết là 1.300,87$ Sing. Tổng cộng cho thủ thuật chỉ bao gồm nội soi toàn bộ đường tiêu hóa là khoảng 2.000$ Sing (khoảng 34 triệu đồng). Đó là chưa kể chi phí trước thủ thuật còn có gây mê thì cần phải trả chi phí cho sedation team, gây mê một trường hợp phức tạp thì có thể lên tới 1.000$ Sing (khoảng 17 triệu đồng) và chi phí hồi phục sau thủ thuật 76$ Sing nữa. Có người thì không cần gây mê, nhưng mình đang lấy ví dụ là một bệnh nhân nhi thì là như vậy. Vậy tính sơ sơ cũng hơn 50 triệu mà chưa kể các vật dụng sử dụng trong lúc làm như mũ, khẩu trang, mouthpiece, khăn giấy ướt,... kể cả các thủ thuật như đặt kim luồn trước khi truyền thuốc cũng được tính là một thủ thuật gọi là insertion of IV cannula, đối với trường hợp rất khó đặt thì lên tới 83$ Sing (1.400.000 VNĐ).


Chi phí về giường bệnh thì chia theo các hạng mục, theo phòng hạng sang, hay A1 (giường đơn), B1 (4 giường 1 phòng) và chia theo mức độ như ví dụ như khoa cấp tính thông thường, hay khoa ICU, hay khoa ICU sơ sinh, khoa phụ thuộc cao (high dependency ward). Lấy ví dụ một phòng hạng A1 giường đơn ở khoa bệnh cấp tính, thông thường sẽ có giá là 527,51$ Sing một ngày (gần 9 triệu đồng/ngày). Chỉ tiền giường cộng thêm phí điều trị hàng ngày ở khoa thông thường là 129,47$ Sing (khoảng 2,1 triệu đồng). Các khoa ICU thì chi phí cao hơn chút, nếu share phòng 4 giường 1 phòng thì chi phí cho phòng hạng B1 bằng một nửa so với A1, (phòng B1 là 333,84$ Sing, tương đương 5,6 triệu đồng/ngày). Đây là giá năm 2019 rồi còn năm nay thì mình không rõ có điều chỉnh thêm gì không.


Như vậy, các bạn có thể thấy là bệnh nhân nước ngoài không có bảo hiểm gì thì chi phí khám ngoại trú thì cũng từ vài chục triệu đến vài trăm triệu là sơ sơ. Còn nội trú thì tùy từng bệnh thì mình sẽ không nói chính xác được. Như nếu ghép tế bào gốc mà lấy từ thành viên trong gia đình mà không cần nhờ đến ngân hàng tế bào gốc từ bên ngoài, ghép một lần thành công ngay thì khoảng hơn 3 tỉ đồng, còn ghép 2 lần mới thành công thì từ 6 đến 7 tỉ đồng. Mình thấy với các bệnh nhân nhi bị bệnh về não, các kiểu ghép cũng đã đến tiền tỉ. Hoặc chi phí phẫu thuật cũng tầm tiền tỉ. Như các anh chị bác sĩ là học viên của mình ở lớp Tiếng Anh Y Dược GGC có chia sẻ, một số bệnh nhân đã điều trị ở các nước khác, cuối cùng cũng trở về Việt Nam khi chưa điều trị xong vì chi phí điều trị quá cao. Có người mổ u não thì chỉ kết thúc mổ thôi cũng đến 5 tỉ đồng rồi, chưa kể chăm sóc sau đó, họ quyết định về Việt Nam vì không đủ chi phí điều trị tiếp.


Vậy bài này mình không bàn luận gì thêm mà chỉ đưa ra con số cho các bạn hình dung. Và rõ ràng là dòng tiền về chi phí y tế của người Việt Nam vẫn đang chảy ra nước ngoài nhiều. Với một người Việt Nam như mình thì mình có tiếc không, có chứ. Nếu Việt Nam làm rất tốt và tạo sự tin tưởng thì nhiều người không cần phải chạy ra nước ngoài nữa, khi đó tiền đó sẽ đổ về các bệnh viện Việt Nam và cũng tiết kiệm chi phí rất nhiều cho bệnh nhân. Đó cũng là lí do mà mình cùng với The GGC Team mong muốn khi thiết kế các chương trình ngoại ngữ cho nhân viên y tế, để càng ngày chúng ta càng phát triển. Không những đáp ứng tốt nhu cầu điều trị trong nước, mà còn có một số lĩnh vực chúng ta làm tốt hơn so với các nước trong khu vực, thì chúng ta còn thu hút bệnh nhân nước ngoài vào Việt Nam điều trị với chất lượng tốt và chi phí vừa phải.


Còn lời khuyên có nên đi khám bệnh ở nước ngoài không thì thực sự khó trả lời lắm vì liên quan đến nhiều vấn đề không chỉ là chi phí đâu các bạn ạ. Nếu các bạn quan tâm thì hãy comment ở dưới bài viết này, bài sau mình sẽ bàn luận về nhiều khía cạnh hơn.

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page