top of page

Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu

Bài viết bởi Dung Le - Tiếng Anh Y Dược Go Global Class

Có lẽ những ai làm trong ngành y tế đều không còn xa lạ gì với cái tên BS Nguyễn Lân Hiếu, hay cái tên thân thuộc hơn là thầy Hiếu. Hàng tuần mình đều được xem BS Hiếu chủ trì các buổi Telehealth phát sóng trực tiếp trên fanpage của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thì lại càng khâm phục cả tài năng lẫn sự yêu thương người bệnh của thầy. Có lẽ điều mình nhớ nhất trong các buổi đó là bác sĩ thường xuyên hỏi ý kiến các BS chuyên khoa khác, liệu có cách nào có thể làm giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân không, hay có xét nghiệm nào có thể làm được ở điều kiện tuyến dưới mà bệnh nhân không cần đi lại vất cả không. Đã có lần mình ước gì được nghe bác sĩ trò chuyện và chia sẻ con đường sự nghiệp, những trăn trở, những phấn đấu và lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ. Nhưng đọc xong cuốn sách này thì tâm nguyện của mình cũng như được hoàn thành. Tuy không trực tiếp lắng nghe nhưng đọc sách cũng là một cách tuyệt vời để biết sự trải lòng của một người BS tuyến đầu và hành trình để trở thành con người tài đức như bây giờ.


Ngay sau khi cuốn sách được phát hành, mình đã đặt mua ngay và đọc xong chỉ sau một ngày cầm cuốn sách trên tay. Thật sự câu chuyện lôi cuốn mình đến mức mà mình đọc liền một mạch. Gấp cuốn sách lại có lẽ là cảm xúc vừa xúc động, vừa trân trọng, vừa tự hào, vừa ngưỡng mộ. Cuốn sách này là hành trình từ một cậu bé ngày xưa học lớp 11 chăm bà ngoại mắc bệnh nặng ở viện và chứng kiến bà ra đi đã hun đúc cho BS lòng yêu thương và quyết tâm phải làm được điều gì đó cho những người bị bệnh. Đến những năm tháng sinh viên cũng nhiều kỉ niệm, kể cả những công việc làm thêm như bảo vệ, hay thỉnh thoảng đi làm "con buôn" trên đường Trường Chinh rất hài hước. Rồi những năm tháng học hành trường y, những buổi đi trực và thời gian học tập miệt mài đầy hứng khởi. Qua cách mô tả những ngày tháng đi học, mình tưởng tượng được một cậu sinh viên học tập với niềm đam mê và rất vui, cái niềm vui học tập nó có thể lan toả từ cuốn sách sang cả người đọc là mình vậy. Rồi những buổi đi trực cấp cứu, khi có bạn vào cấp cứu liên quan đến tim mạch, một bác sĩ trực có nhiều kinh nghiệm nhưng ở chuyên ngành tiêu hoá đã kê thuốc tim mạch mà phớt lờ ý kiến của cậu học trò Y6 này. Giữa lúc 1,2 h sáng chẳng thể làm gì, cậu học trò ấy bèn chạy đến nhà GS Tôn Thất Bách để nhờ thầy đến giúp và cuối cùng đã may mắn giúp được bệnh nhân.

Rồi ra trường, cũng như bao nhiêu BS trẻ khác, BS cũng gặp vô vàn khó khăn và suýt chút nữa bỏ nghề, nhưng có lẽ với cái tâm và niềm đam mê thì với bao nhiêu khó khăn thì BS cũng vượt qua được.


Có lẽ mình ấn tượng và ngưỡng mộ thầy khi những năm tháng còn trẻ, thầy đã chọn con đường học tập và tiên phong trong lĩnh vực tim mạch. Thầy sang Pháp học rồi về nước nhưng không thể áp dụng những điều học được ở Việt Nam vì điều kiện chưa cho phép, rồi thầy lại sang Mỹ tiếp tục tìm câu trả lời. Thời nào cũng khó khăn cả, thời của thầy cũng thế, nhưng với những trăn trở để đem đến cho bệnh nhân cơ hội được sống thì thầy đã phải tối ưu và điều chỉnh để cả bệnh nhân nghèo ở Việt Nam cũng có cơ hội được điều trị, hình ảnh thầy xin được các dụng cụ ở Mỹ về để thực hiện ca mổ rồi đàm phám với các hãng thiết bị y tế giảm giá cho bệnh nhân mà xúc động thật đấy. Cuối cùng thì ngày hôm nay, lĩnh vực phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em đã là một trong những lĩnh vực đi đầu của VN trên toàn Đông Nam Á và hàng ngàn người bệnh tại nhiều nước trên thế giới cũng được hưởng lợi từ tài năng và công sức của thầy. Thầy Hiếu có cơ hội được đi nhiều nơi và với óc quan sát cùng với sự rung động thì đi đến đâu thầy cũng học hỏi và cống hiến nhiều nhất cho bệnh nhân ở nơi đó. Có lẽ nhớ nhất là lúc thầy kể bước xuống sân bay Ấn Độ, bị cảm động trước những ánh mắt của trẻ thơ nghèo nàn mà thầy đã hứa nhất định sẽ quay lại nơi này để giúp đỡ một điều gì đó cho họ. Quả thật, những bác sĩ Ấn Độ là học trò của thầy, giờ đã thành đạt và là chuyên gia của đất nước họ rồi. Ngưỡng mộ thật đấy!


Không chỉ đề cập về y tế, BS Hiếu còn đề cập đến những bất cập về giáo dục. Có lẽ một số lời nhắn nhủ đến các BS trẻ hơn là: không ngừng học tập, kể cả ngoại ngữ và chuyên môn để không chỉ áp dụng kinh nghiệm mà còn là nghiên cứu, là y học thực chứng vào thực hành. Cùng với đó là không còn hội chứng "bà già sợ Tây", đưa nền y tế Việt Nam ngày càng đi lên, và trong bất cứ lĩnh vực nào của mình, cũng nên phấn đấu hết sức để đưa Việt Nam ngang hàng với các nước phát triển, như cách thầy đã dẫn dắt và tiên phong trong lĩnh vực tim mạch. Là một đại biểu quốc hội, thầy còn bàn luận sâu hơn nữa về những thứ bất công, đứng về người yếu thế và lên tiếng vì họ. Nên cũng hiểu quỹ thời gian ít ỏi của mình, BS đã tận dụng từng phút giây để cống hiến cho xã hội. Cuộc sống bận rộn là thế, tuy vậy trong những trang sách này lại có chứa nhiều điều dí dỏm và giọng văn hài hước, khiến mình bật cười nhiều lần. Cũng có những sở thích và những thói quen giản dị hàng ngày nữa.


Khép lại cuốn sách đọng lại trong mình hình ảnh một người BS có tài đức, đầy sự khiêm tốn, lòng bao dung và nhân văn, yêu thương con người, thiên nhiên. Có lẽ câu chuyện của thầy nên được nhân rộng. Và với một người trẻ như mình, mình thấy may mắn biết bao khi được đọc về một tấm gương sáng của những người đi trước. Mình có động lực hơn để học tập, để phấn đấu trở nên tốt hơn và cống hiến được nhiều hơn trong cộng đồng của mình. Và một điều ước nhen nhóm trong đầu, ước gì một ngày nào đó xa xa, mình được làm việc cùng với thầy trong một dự án nào đó, có thể liên quan đến ngoại ngữ trong ngành y tế chẳng hạn. Hì, từ giờ đến lúc đó, có lẽ mình sẽ có thật nhiều niềm tin để cố gắng, để học hỏi, để tuổi trẻ đi qua một cách đầy nhiệt huyết như thầy. Cảm ơn thầy Hiếu vì những câu chuyện đã kể, và chúc thầy có sức khoẻ thật tốt để thực hiện được mong muốn của thầy ạ. <3



266 views0 comments

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page